V/v ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn quốc gia; Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn, sáng sớm nay (18/7), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippin đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là WIPHA. Hồi 01 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 125,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.., Ủy ban nhân dân xã Đình Lập yêu cầu các lực lượng, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
1. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết của áp thấp nhiệt đới; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h trong thời gian có mưa, lũ; Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục thực hiện đầu đủ, nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ được phân công với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
- Rà soát phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, trụ sở, công trình công cộng, hệ thống lưới điện, viễn thông; bảo vệ sản xuất nông nghiệp; chủ động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống khi có tình huống xảy ra.
2. Phòng Kinh tế
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết của áp thấp nhiệt đới; Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; Tham mưu kịp thời các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung trong thời gian có mưa, lũ.
- Phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Đình Lập để bố trí nhân lực thường trực, kiểm tra tại công trình hồ chứa nước có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.
- Phối hợp với Ban CHQS xã, Công an xã và Trưởng các thôn, khu kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét trên địa bàn; báo cáo kịp thời UBND xã để chỉ đạo sơ tán dân khi cần thiết.
- Hướng dẫn người dân bảo vệ cây trồng, vật nuôi, gia cố chuồng trại, kiểm tra an toàn hệ thống điện.
3. Phòng Văn hóa - Xã hội.
- Đảm bảo hệ thống truyền thanh hoạt động tốt, cập nhật thường xuyên bản tin cảnh báo thời tiết, thông báo của cấp trên và của xã.
- Chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các Trường học trực thuộc.
4. Ban Chỉ huy quân sự xã.
- Phối hợp với Phòng Kinh tế, Công an xã và các Trưởng Thôn/Khu rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; thông báo tới từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là cứu người, tài sản của người dân bị mắc kẹt, bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở đất.
- Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.
- Sau khi mưa lũ, sạt lở đất đi qua, lực lượng quân sự cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống.
5. Công an xã.
- Chủ động triển khai ngay các kế hoạch, phương án bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự tại cơ sở để kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ.
- Bố trí lực lượng hướng dẫn, cắm biển cảnh báo, phối hợp khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; tổ chức cứu hộ, cứu nạn ngay khi có tình huống xảy ra.
- Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong và sau thiên ta.
6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh).
- Huy động lực lượng hỗ trợ sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Tổ chức thăm nắm, cập nhật tình hình tại các hộ dân ở vùng xung yếu, dễ xảy ra thiên tai.
7. Trưởng thôn, Trưởng khu.
- Tăng cường tuyên truyền, thông báo cho người dân về diễn biến áp thấp nhiệt đới qua loa truyền thanh, họp thôn, khu các nhóm Zalo cộng đồng...
- Nắm bắt tình hình, chuẩn bị phương án và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng cứu. Trong đó, cần rà soát khu vực nguy hiểm, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ cao xảy ra thiên tai; di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm (nếu cần), đảm bảo giao thông và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan để triển khai công tác phòng, chống và ứng phó với thiên tai.
Đề nghị các đơn vị, cá nhân nghiêm túc triển khai thực hiện. Mọi thông tin đột xuất, bất thường báo cáo về UBND xã qua đồng chí (Nguyễn Thế Tùng - 0987.380.358 hoặc Vũ Thị Hương - 0976.313.092) trực ban./.