1. Di tích

Huyện Đình Lập có 06 di tích. Trong đó, có 4 di tích đã được UBND tỉnh quyết định công nhận di tích cấp tỉnh. Cụ thể: (1) Nhà cao - Phố cũ (khu 8, thị trấn Đình Lập)là ngôi nhà có kiến trúc cổ, được xây dựng năm 1924, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây từng là cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng, là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hải Ninh (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) chính thức được thành lập (ngày 06/8/1946). (2) Đèo Khau Háy (xã Kiên Mộc)là nơi ghi lại chiến công lịch sử của nhân dân chiến khu Nà Thuộc năm 1947 (gồm 3 xã Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa). Tại nơi đây, quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc đã đánh tan tiểu đoàn Âu Phi, tiêu diệt hàng chục tên địch, trong đó có tên đội Pháp, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. (3) Đình Pò Háng (xã Bính Xá), Đình được lập khoảng trước năm 1940, là nơi thờ Thành Hoàng làng, một nhân vật lịch sử từ xưa, tướng Lương Quảng Đãi.Đầu năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh trao tặng quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc Huân chương chiến công hạng Ba và cho may bức trướng đặc biệt phong tặng đình Thành Hoàng Pò Háng. Đó là bức trướng vải đỏ thêu các dòng chữ bằng chỉ màu vàng. Chính giữa là dòng đại tự: “KHÁNG CHIẾN HỘ ỦNG” (Ủng hộ kháng chiến), viết bằng chữ Hán; bên phải là dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tam niên” (Năm thứ ba niên hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); bên trái là dòng chữ: “Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàng dự” (Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng). (4) Đình Đông Quất (xã Cường Lợi) có từ khoảng trước năm 1940, nơi thờ Thành Hoàng làng, là một trong những địa điểm liên lạc, căn cứ quân sự của bộ đội ta đánh Phỉ, giặc Pháp và Nhật.Tại đây, ngày 16/4/1945 đội tự vệ các xã đã cắt máu ăn thề giết Phỉ, giặc Pháp và Nhật. Đình Đông Quất được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2014. Hai di tích mới được phục dựng, gồm: di tích Đình Háng Slấp  (thị trấn Đình Lập) và Đình tà Hón (xã Đình Lập) cùng được khôi phục năm 2019. Trong 6 di tích trên có 03 di tích lịch sử (Nhà Cao Phố Cũ, Đình Pò Háng, Đèo Khau Háy),03 di tích kiến trúc nghệ thuật: Đình Đông Quất, Đình Háng Slấp, Đình tà Hón.

2. Lễ hội

Trên địa bàn huyện Đình Lập có 05 lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm thu hút lượng khách du lịch nhất định ở trong và ngoài huyện. Đa số các lễ hội gắn liền với các điểm di tích như lễ hội Đình Đông Quất (xã Cường Lợi) được tổ chức ngày 07 tháng Giêng; lễ hội Đình Háng Slấp được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng; lễ hội Đình Tà Hón (xã Đình Lập) được tổ chức ngày 12 tháng Giêng; lễ hội Đình Pò Háng (xã Bính Xá) được tổ chức vào ngày 03/3 âm lịch; lễ hội Phầư Đắp (xã Bắc Xa) được tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng 3 âm lịch hằng năm. Trong các lễ hội này, bên cạnh phần nghi lễ truyền thống của nhân dân các dân tộc là phần hội với các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian, sinh hoạt ẩm thực… Tiêu biểu trong các hoạt động văn nghệ được thể hiện thông qua các làn điệu dân ca truyền thống như: hát then, hát lượn của người dân tộc Tày, nùng; các trò chơi dân gian như múa sư tử, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, ném còn, chọi sáng, chọi chim, tẻng cừ, bắn nỏ… thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, lạc quan trong cuộc sống.

3. Danh thắng: Huyện Đình Lập có nhiều tiềm năng du lịch và danh thắng đẹp như:

- Cảnh quan đồi núi: Diện tích đất lâm nghiệp lớn với những cánh rừng thông, rừng keo bạt ngàn vi vu trong nắng gió, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bao la. Đình Lập có một số đỉnh núi cao như núi Ngàn Chi xã Bắc Xa cao 1.166m; đỉnh Khau Mễ xã Bắc Xa cao 739 m; đỉnh Luộc Mòi xã Bắc Xa cao 709m; đỉnh Khau Sam Chom xã Bính Xá cao 700m. Mùa hè khí hậu nơi đây mát mẻ, thích hợp phát triển du lịch sinh trái, trải nghiệm, khám phá.

- Đường tuần tra biên giới: Hệ thống đường tuần tra biên giới dài hơn 34 km nằm trên địa bàn hai xã Bính Xá và Bắc Xa. Công trình được hoàn thành vào năm 2016 ngoài ý nghĩa bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, tuyến đường tuần tra còn là huyết mạch giao thông quan trọng tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội các địa phương vùng sâu, vùng xa. Thông suốt dọc tuyến đường tuần tra biên giới là những đồi hoa cỏ lau, đồi thông cao ngút tầm mắt, những cung đường uốn lượn bên núi cao vực sâu tạo cảnh quan đẹp đặc thù vùng biên cương Tổ quốc. Đặc biệt, một số điểm cột mốc trên tuyến đường tuần tra biên giới được đầu tư xây dựng đẹp gắn với cảnh quan núi non hùng vĩ đã thu hút đông đảo sự tham gia tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm của khách du lịch trên mọi miền đất nước. Đây là một tiềm năng thuận lợi để địa phương đầu tư khai thác phát triển du lịch dịch vụ.

- Thiên đường hoa cỏ lau xã Bắc Xa (cột mc biên giới 1297 đến mốc 1300): cách trung tâm huyện khoảng 60km về phía Bắc. Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, nhất là khu vực từ cột mộc biên giới 1297 đến mốc 1300, hoa cỏ lau nở rộ trắng muốt trải khắp các triền đồi, óng ánh phản chiếu ánh nắng mặt trời khiến cảnh sắc nơi đây càng trở nên thơ mộng. Những năm gần đây, khu vực này đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và chụp ảnh. Đứng tại khu vực cột mc du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cung đường tuần tra biên giới, uốn lượn như những dải lụa giữa núi đồi trùng điệp. Sau khi khám phá Thiên đường cỏ lau xã Bắc Xa, du khách có thể tiếp tục hành trình theo cung đường tuần tra biên giới đến huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) để tham quan các điểm du lịch nổi tiếng và tiếp tục chinh phục các cột mốc khác thuộc Bình Liêu như mốc 1302, 1305 và 1327.

- Du lịch đầu nguồn sông Kỳ Cùng (xã Bắc Xa):Được bắt nguồn từ các khe nước nhỏ giữa các dãy núi thuộc xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, cách trung tâm huyện hơn 60km về phía Bắc, giáp khu vực đường tuần tra biên giới, dòng sông Kỳ Cùng được hợp dòng từ nhiều khe suối nhỏ đầu nguồn xã Bắc Xa. Con sông chảy theo hướng Đông Bắc qua các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, Văn Lãng, Tràng Định rồi chảy qua biên giới và hợp lưu với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.Đến khám phá đầu nguồn sông Kỳ Cùng, du khách sẽ trải qua những dãy núi trập trùng, những khu rừng nguyên sinh nơi có những cây gỗ lớn đang che chở, bảo vệ cho mạch nước đầu nguồn, những cánh rừng hồi nhiều năm tuổi được nhiều thế hệ người dân địa phương trồng, chăm sóc. Nơi đây có những thác nước nhỏ mát lạnh, tinh khiết, không khí trong lành phù hợp với các hoạt động khám phá, trải nghiệm. Huyện Đình Lập đang xây dựng kế hoạch theo lộ trình, sớm khai thác tiềm năng du lịch tại nơi bắt nguồn của dòng sông Kỳ Cùng.

          - Hồ Khuổi In: nằm ở thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập, tiềm năng lớn để trở thành khu du lịch. Do vậy, trong định hướng phát triển sẽ đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Khuổi In, hình thành hệ thống không gian đô thị, dịch vụ, gắn kết hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên, mặt nước và hệ sinh thái cho khu chức năng đô thị. Quy mô dự án 30,34ha, với cảnh quan đẹp, khí hậu tốt có thể khai thác phục vụ du lịch sinh thái, tham quan lòng hồ, thể thao, nghỉ dưỡng cuối tuần.

- Hồ Pắc Làng: Nằm ở thị trấn Nông trường Thái Bình, cách trung tâm huyện khoảng 20 km, với diện tích mặt hồ khoảng 15,0ha. Mặt hồ trong xanh, xung quanh hồ là các vườn vải, vườn chè, rừng thông của bà con Nhân dân trên địa bàn thị trấn. Dự án Khu sinh thái trải nghiệm kết hợp nghỉ dưỡng hồ Pắc Làng có quy mô dự án 140,0ha. Với mục tiêu đầu tư: Cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Đình Lập nói riêng; Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Nông trường Thái Bình; Xây dựng một Khu du lịch sinh thái trải nghiệm đầu tiên của huyện Đình Lập, là Trung tâm giới thiệu và quảng bá thương hiệu Chè Lạng Sơn; Tạo điểm dừng chân không thể thiếu trên tuyến đường QL31 từ Bắc Giang đi Mẫu Sơn và Lạng Sơn; Hình thành hệ thống không gian du lịch, dịch vụ, gắn kết hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên, mặt nước và hệ sinh thái; Đóng góp vào ngân sách nhà nước góp phần trong công cuộc xây dựng và phát triển của huyện Đình Lập nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung.

- Hồ chứa nước Bản Lải: nằm trên địa phận hai huyện Lộc Bình và Đình Lập, có diện tích lòng hồ khoảng 600ha, hồ chứa nước sau khi hoàn thành đập dâng ngăn dòng có dung tích 164,3 triệu mét khối, tiềm năng lớn để trở thành khu du lịch. Do vậy, trong định hướng phát triển sẽ khai thác đầu tư các khu du lịch sinh thái tham quan lòng hồ, thể thao, nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực hồ Bản Lải. Thuận lợi cho việc hình thành các tour du lịch từ huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đến xã Bắc Xa, Bính Xá huyện Đình Lập (với các điểm danh lam thắng cảnh như: thiên đường cỏ lau, đường tuần tra biên giới, thác nước đầu nguồn sông Kỳ Cùng, Đình Pò Háng…), tiếp tục hành trình đi lên hồ Bản Lải dọc theo sông Kỳ Cùng đến đập Bản Lải và có thể tiếp tục hành trình đến khu du lịch Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình).

- Hồ Khe Đín: nằm ở thôn Khe Bó, xã Cường Lợi, cách trung tâm huyện Đình Lập khoảng 05km. Giao thông thuận lợi, không gian yên tĩnh, trong lành phù hợp để phát triển mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

- Cảnh quan đồi chè: Huyện Đình Lập được biết đến với vùng chè nguyên liệu của tỉnh Lạng Sơn, chủ yếu được trồng tại thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Lâm Ca, xã Thái Bình, trong đó diện tích lớn tập trung ở thị trấn Nông Trường Thái Bình với hơn 600ha. Định hướng thời gian tới sẽ xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp giới thiệu các sản phẩm chè Đình Lập. Quy hoạch các vùng sản xuất chè, giới thiệu sản phẩm để kết hợp với du lịch. Xây dựng các chương trình chuyên về du lịch gắn với sản xuất chè, góp phần cho mục tiêu phát triển du lịch sinh thái.Việc xây dựng các mô hình chè kết hợp với du lịch sinh thái là điều kiện để giới thiệu một cách đầy đủ và thực tế hơn về cây chè ở Đình Lập cho du khách. Gắn việc trồng chè kết hợp với du lịch, tạo thuận tiện để người nông dân yên tâm sản xuất, tăng cường đầu tư ứng dụng một cách đồng bộ các quy trình canh tác nông nghiệp theo hướng công nghệ cao từ đó mở rộng tham quan du lịch trên vùng chè của địa phương.