Giới thiệu chung về điều kiện tự nhiên, KT, XH của huyện Đình Lập

Huyện Đình Lập là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn trên trục đường Quốc lộ 4B, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 55 km, nằm ở tọa độ từ 21019’30’’ - 21044’40’’ vĩ độ Bắc và từ  106059’ -  107015’20’’ kinh độ Đông, đi theo quốc lộ 4B, theo hướng Đông Nam, với diện tích tự nhiên 118.955 ha, gồm 10 xã, 2 thị trấn, dân số 29.856 người (đến năm 2023). Phía Bắc giáp huyện Lộc Bình và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây- Trung Quốc; Phía Đông giáp huyện Bình Liêu và huyện Tiên Yên - tỉnh Quảng Ninh; Phía Tây Nam giáp huyện Sơn Động - tỉnh Bắc Giang; Phía Nam giáp huyện Ba Chẽ - tỉnh Quảng Ninh.

1. Điểm mạnh

- Lợi thế về đất đai: Huyện có diện tích tự nhiên lớn 118.954,9 ha; trong đó, Diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch 3 loại rừng là 109.731,6 ha, chiếm 92,25% (trong đó, đất rừng sản xuất 87.099,2 ha; rừng phòng hộ 22.632,4 ha). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 77,6%/tổng diện tích tự nhiên. Đây được coi là thế mạnh trong phát triển kinh tế, hằng năm diện tích trồng rừng được trên 1.300 ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung như: vùng trồng Thông (tập trung ở các xã Bắc Xa, Kiên Mộc, Bính Xá, Đình Lập), vùng trồng Keo (Châu Sơn, Bắc Lãng, Cường Lợi, Đồng Thắng, Lâm Ca),… tạo thành vùng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến lâm sản, đem lại nguồn thu nhập và giá trị kinh tế cao cho người dân. Vùng Chè có diện tích trên 500 ha (sản lượng 1.500 tấn/năm). Trong 3 năm qua (2021-2023) huyện đã chú trọng vào việc trồng rừng cây gỗ lớn, cấp Chứng chỉ rừng VFCS/PEFC, đến nay có trên 4.500 ha đã được cấp chứng chỉ, đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá, cấp chứng chỉ thêm 5.000 ha; năm 2024 phấn đấu phát triển thêm 5.000 ha và trên 1.000 ha rừng cây gỗ lớn.

Tháng 12/2023 trên địa bàn huyện đã khởi công Cụm công nghiệp Đình Lập với quy mô xây dựng 71,39 ha; các lĩnh vực hoạt động chủ yếu: Sản xuất, chế biên lâm sản; vật liệu xây dựng; gia công cơ khí; đồ gỗ; kho bãi và lưu giữ hàng hóa;... Nhà máy chế biến nhựa thông tại xã Cường Lợi bắt đầu đi vào hoạt động, ổn định đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng cây Thông trên địa bàn huyện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đang xây dựng Nhà máy sản xuất gỗ viên nén sinh khối và các sản phẩm khác từ cây gỗ rừng trồng (đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 23/02/2024)

Tốc độ tăng giá trị sản xuất của 3 nhóm ngành kinh tế chủ yếu trên địa bàn huyện bình quân hàng năm đạt trên 8% (năm 2021 tăng 7,16%, năm 2022 tăng 8,6%, năm 2023 tăng 8,55%). Đến nay huyện có 9/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, (trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), huyện phấn đấu đến hết năm 2024 có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, phấn đấu đến năm 2025 huyện Đình Lập đạt huyện nông thôn mới.

- Vị trí địa lý: Huyện Đình Lập nằm trên Quốc lộ 4B kết nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh và Quốc lộ 31 nối với tỉnh Bắc Giang và sang Trung Quốc. Đây cũng là lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện, hình thành điểm kết nối, trạm dừng nghỉ trong tuyến du lịch xuyên tỉnh Lạng Sơn – Quảng Ninh.

Hạ tầng kỹ thuật ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ; đặc biệt là hạ tầng giao thông, các tuyến đường Quốc lộ 31, 4B đang được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Cảnh quan thiên nhiên còn nguyên trạng, hoang sơ, có giá trị độc đáo riêng, chưa được đầu tư khai thác; thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Định hướng phát triển du lịch của huyện phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

- Nguồn nhân lực: Số lao động trong độ tuổi lao động là 21.763/29.856 người, chiếm 72,9% trên tổng dân số; trong đó, số lao động đi làm ở ngoài tỉnh 826 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%. Đây cũng là điều kiện thuận lợi về cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

- An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đồng bào các dân tộc đoàn kết, chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

2. Điểm yếu

- Diện tích tự nhiên rộng (1.189,55 km2), dân số ít (29.856 người), dân cư sống không tập trung dẫn đến xuất đầu tư lớn, nên trong thời gian qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn gặp khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông.

- Địa hình bị chia cắt mạnh, một số khu vực núi cao hiểm trở thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt, khó khăn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông và thuỷ lợi; mực nước trên các sông phụ thuộc chủ yếu vào chế độ mưa cũng là một trong những khó khăn lớn khi phát triển nuôi trồng thủy sản trên các sông, suối và hồ thủy điện.

- Do địa hình miền núi, đất canh tác ở vừa thiếu, vừa manh mún, khó phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, việc cải tạo đất chưa được chú trọng, hệ thống thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cũng như thoát nước.

 - Khí hậu duy trì độ ẩm cao trong năm là hạn chế lớn đối với các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công tác bảo quản, lưu trữ sản phẩm.

- Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của phần đông lực lượng lao động tương đối thấp, dẫn đến khó thu hút được các doanh nghiệp cũng như không nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

- Là một huyện nằm trong vùng núi thấp bị ảnh hướng bởi tác động biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất đá, ngập úng.

3. Cơ hội phát triển

- Giai đoạn 2021-2030, việc phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được chú trọng. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tới sẽ là nguồn lực tài chính bổ sung quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.

- Phát triển du lịch trên địa bàn, hình thành điểm kết nối trong tuyến du lịch xuyên tỉnh Lạng Sơn - Quảng Ninh. Khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của địa phương còn hoang sơ, có giá trị độc đáo riêng, chưa được đầu tư khai thác khác biệt với khu vực lân cận. Định hướng phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh. 

- Kết nối sản xuất, thương mại và du lịch với khu vực lân cận nhất là vùng Tiên Yên của Quảng Ninh, cửa khẩu phụ Bản Chắt sang Trung Quốc. Chủ động gắn kết trong tuyến kinh tế Quảng Ninh - Trung Quốc.

- Tiềm năng về đất và rừng là nguồn lực quan trọng cho phát triển nông, lâm  nghiệp trên địa bàn, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến. 

- Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới sẽ là cơ hội để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và du lịch của huyện Đình Lập tiếp tục phát triển. Cùng với đó, xu  thế  dịch  chuyển  dòng  vốn  FDI  từ  Trung  Quốc  sang  các  nước  châu  Á  khác  như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines đã và đang diễn ra, ngày càng thể hiện rõ nét hơn từ khi có đại dịch Covid-19. Huyện Đình Lập có thể tận dụng lợi thế để đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam một cách có chọn lọc nhằm xây dựng mạng lưới điểm du lịch, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng có hiệu quả.

- Tuyến đường cao tốc thành phố Lạng Sơn -  Đình Lập -  Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh đang được đầu tư xây dựng, giúp tăng cường kết nối giữa huyện Đình Lập với các trung tâm kinh tế lớn, nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội; Đình Lập có thêm nhiều cơ hội về phát triển thương mại, dịch vụ.

- Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030 xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đồng thời xác định các đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, thể chế, khoa học và công nghệ, phát huy giá trị con người Việt Nam; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng là cơ hội để huyện Đình Lập phát huy các cơ chế, chính sách chung để vươn lên, tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

- Đình Lập có vị trí địa lý kinh tế - chính trị thuận lợi và quan trọng bởi nằm trên quốc lộ 4B nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh và Quốc lộ 31 nối với tỉnh Bắc Giang và sang Trung Quốc. Với lợi thế này Đình Lập sẽ có nhiều cơ hội mở mang các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ và các lĩnh vực xã hội khác. Thuận lợi trong việc giao lưu hàng hóa, phát triển thương mại tương đối thuận lợi trong việc mời gọi các doanh nghiệp, các công ty của trong nước và nước ngoài vào đầu tư trên địa bàn.

- Kinh tế thương mại, dịch vụ và du lịch là các lĩnh vực kinh tế chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển có thể phát huy nhanh chóng và mạnh mẽ. Sự phát triển nhanh và mạnh của các lĩnh vực kinh tế này sẽ giúp Đình Lập nhanh chóng trở thành huyện có thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển của tỉnh Lạng Sơn trong tương lai. Khu dịch vụ cửa khẩu Bản Chắt có thể được hình thành trong tương lai sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

 - Tiềm năng về đất và rừng tạo thế vững chắc về an toàn và an ninh lương thực, là chỗ dựa chắc chắn cho các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời có thể cung cấp nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp khác, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến.

  4. Thách thức

  - Môi trường quốc tế ngày nay ngày càng trở nên bất định. Chủ nghĩa dân túy, chiến tranh thương mại, cạnh tranh siêu cường, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp biển đảo, tài nguyên… và đại dịch Covid-19 là những vấn đề nổi lên, làm gia tăng rủi ro khiến  cho sự phát triển của ngành du lịch trở nên khó dự đoán hơn.

- Quá trình đổi mới, cơ cấu lại kinh tế chưa hoàn thành và những thách thức ngày càng tăng về kinh tế chính trị. Hiện nay, mặc dù năng suất thấp hơn nhiều so với công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp vẫn sử dụng gần một nửa lực lượng lao động của nền kinh tế. Chính vì thế, lợi ích tiềm năng của việc tiếp tục chuyển dịch cơ cấu còn rất lớn. Mặc dù hội nhập quốc tế tiến triển tốt, Việt Nam đã gia nhập vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lợi ích của hội nhập vẫn bị hạn chế do kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI hạn chế. Những thách thức chung của nền kinh tế nêu trên cũng là những thách thức của huyện Đình Lập trong thời kỳ quy hoạch tới.

- Vấn đề biến đổi khí hậu như lũ quét, sạt lở đất, sương muối… là những nguy cơ thường trực và thách thức lớn đối với phát triển kinh tế của huyện Đình Lập trong thời gian tới.